Chương 1: Yên Nhiên quận chúa

Đích nữ của Vân Nam tướng quân - Yên Nhiên quận chúa phủ Vân Nam, là nữ tử nổi tiếng quốc sắc thiên hương. Nàng là một trong những nữ nhân tư dung đệ nhất, cũng là một trong những bậc tinh anh trẻ tuổi kỳ khôi nhất kinh thành.

Chỉ thấy nàng mỗi lần xuất hiện là phong quang tễ nguyệt, thanh tẩy những thứ nhơ nhuốc bẩn thỉu ở kinh thành, ở nhiều vùng miền của non sông đất nước. Ví nàng như trăng rằm, như phượng hoàng ẩn mình trong thân xác phàm trần. Song, ai nấy đều tặc lưỡi tiếc nuối:

“Nữ tử mỹ mạo bậc này, thiên tư bậc này, vạn sự tỏ tường, trong lòng có bách tính, có vạn dặm non sông gấm vóc, cũng chỉ là ‘nữ tử’. Sớm muộn nàng cũng sẽ lui về phía hậu phương mà chăm sóc cho trượng phu, tôn tử. Đáng tiếc, đáng tiếc…”

“Chậc chậc, cũng chỉ là một nữ tử. Có là mỹ nhân đệ nhất thiên hạ thì sao chứ? Thông minh cũng chẳng dùng để thi khoa cử được.”

“Đúng thế, đúng thế. Ngươi nói chẳng sai tí nào. Một nữ tử đi đứng còn cần kẻ dìu người dắt thì có thể làm nên nghiệp lớn gì, gây nên được sóng gió gì chứ?!”

“Hừ, mỹ mạo tài năng tuyệt vời thì thế nào? Chẳng phải cũng là ‘gái lỡ thì’ sao? Cũng đã mười bảy tuổi rồi, chắc chẳng nhà nào dám rước một cô con dâu ‘hồng nhan họa thủy’ như thế đâu!”

Song, cái vị “Yên Nhiên quận chúa” trong lời kể đầy thương tiếc của dân chúng, chẳng hề biết mình khổ sở đến vậy. Vị Yên Nhiên - chỉ là một nữ tử mà thôi - một nữ tử trói gà không chặt nên chẳng làm được gì nên chuyện - đang cực kỳ vui vẻ và háo hức để tận hưởng chuyến du ngoạn nàng “tự thưởng” cho bản thân.

Yên Nhiên quận chúa, tên tự là Vân Yên.

“Vân” trong:

“Thiên nhan xích chỉ tâm nhưng luyến

Ngũ sắc tường vân tại vọng trung.” (1)

(Quốc sắc thiên hương lòng ngưỡng mộ

Mây vần năm sắc lộng trời xanh.)

“Yên” trong:

“Giang thành yên cảnh xuân thường trú

Hồ hải khâm hoài địa tự khoan.” (2)

(Thành cao mây khói xuân muôn sắc

Đất rộng sông hồ bọc tứ vi.)

Tuy nhiên, tính cách của nàng thực chẳng giống tên nàng lắm. Nhẹ nhàng như mây, yên ổn, an lành? Không, Vân Yên nàng thật chất là một tổ tông. Bên ngoài là một mỹ nhân “như liễu trong thơ cổ” (3), chọc người yêu thích; bên trong là yêu nghiệt đích thực, khiến người gặp người chạy, gà bay chó sủa!

Những ngày này, “tiểu yêu nghiệt” Vân Yên chạy tới thôn trang của phủ Vân Nam ở ngoại thành, cách ba trăm dặm hướng Tây Nam. Xe ngựa nếu vừa đi vừa nghỉ thì phải bốn ngày đường mới tới. Nhưng Vân Yên sợ bỏ lỡ bất kỳ cuộc vui nào trong lễ hội, nàng chỉ thúc ngựa chạy nước rút một ngày là tới. Được nhắc nhở bao nhiêu lần nào là về sự dịu dàng, thục nữ, về đức hạnh mà một nữ tử nên có, nhưng Vân Yên chẳng bao giờ để ý. Thậm chí, phụ mẫu nàng cũng bó tay, quản không nổi nàng.

“Nếu đã cản không nổi thì để cho con bé rong chơi đi! Phủ Vân Nam từng phú khả địch quốc chẳng lụi bại đến mức không nuôi nổi một cô nương chưa gả!” Vị trưởng bối nào của Vân Nam phủ cũng có ý nghĩ đó. Có phụ mẫu ủng hộ, huynh trưởng ngoài biên ải quý muội muội hơn vàng, nên thiên chi kiêu tử đích thực Vân Yên tiểu thư nói đi là đi, đi đến đâu có lễ hội thì quậy đυ.c nước đến đó.

*Chú thích:

(1) Trích trong bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” (Dạo chơi ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường), tác giả Trần Nhân Tông.

(2) Trích trong bài thơ “Tặng Minh Hương Nông Phục, sơ bang tú, biệt hiệu Quyền Ký Lạc” (Thơ tặng Nông Phục người làng Minh Hương), tác giả Lê Khắc Cẩn. Bài thơ viết dưới triều Nguyễn.

(3) Trích từ bài thơ “Em gầy như liễu trong thơ cổ”, tác giả Nguyên Sa (hiện đại).