Chương 1: Nhổ Cỏ Tận Gốc

Nơi này là vùng sơn thượng xa xôi, núi đồi hiểm trở, những tán cây phong, cây tùng và cả bạch dương cứ chen chúc mà đứng. Bởi do nằm ở phía Tây Bắc năm này đến tháng nọ bị mưa sương, gió lạnh thổi về không dứt, chỉ mới bìa rừng mà gặp phải hùm beo rắn rết, âu cũng là chuyện thường tình cả thôi. Nhưng đi sâu vào vùng đất mà tưởng chừng như “sơn cùng thuỷ kiệt” này, ta mới thấy rõ những vách núi tuy không thể gọi là đυ.ng trời. Nhưng ta sẽ phải khϊếp sợ trước hình thù kì lạ của chúng. Những ngọn núi như những bức tường thành trơn tuột, chỗ chỗ lại như nứt toạc ra những khe đông sâu hoắm. Trên vách núi chỗ thì trơ trọi, chỗ thì lại phủ lên mình những thảm rêu xanh, rêu vàng hay chỗ lại mọc ra những cành cây lạ lùng xanh đỏ mà để cho chim chóc làm tổ.

Đỉnh núi cao tăm tắp ấy khó mà thấy rõ bằng mắt thường bởi sương mù bao phủ nhìn kĩ mới rõ thì ra ẩn hiện trong lớp sương mù ấy lại là một thác nước trải dài, từng đợt sóng nước, hơi nước, tia nước quyện cùng với sương sớm lại làm cho khung cảnh thêm phần mĩ ảo vậy. Nước chảy rồi đổ thẳng xuống tạo thành cả một con sông lớn phía dưới. Tiếng nước chảy từ trên cao lại làm ra từng trận ầm ầm vang khắp cả chục cây số đủ biết sự hung vĩ của thiên nhiên nơi này. Chợt từ dưới ngọn thác dữ có một bóng người mờ ảo tà áo người đó bay nhẹ nhàng trong cơn gió, tuy đứng bên thác nước đang chảy như xối xả. Mà người này vẫn một thân khô ráo lạ thường. Nhìn kĩ lại gần mới rõ hoá ra là một lão hoà thượng độ bát tuần ngoài tám chục, ông ta khoác trên mình bộ áo nâu sòng đã nhăn nhúm tả tơi chiếc tràng hạt dài đến ngang bụng cũng đã ngả màu gần hết. Vậy mà vẫn không giấu được vẻ tiên phong đạo cốt của lão. Lão đứng mà nhìn vào dòng nước đến xuất thần như dưới dòng nước đấy có chữ vậy. Đột nhiên lão lẩm bẩm như thì thầm một bài thơ:

“Liên sơn hoành dã bôn,

Lạc thuỷ nhất phong tôn.

Bích luỹ y cô chuý,

Ba đào tước bán căn.

Tà dương cách lãnh tận,

Yên cảnh dữ khê hồn.

Đoạn trạo nghinh lâu chuyển,

Đào hoa nhược tố nguyên.” - Sơn thuỷ độ- (Nguyễn Văn Siêu)

(Dịch bởi Trương Việt Linh

“Ngang đồng dãy núi băng băng,

Một hòn lại tụt xuống đồng mà chơi.



Vách cao riêng tựa giữa trời,

Chập chờn sóng vỗ liên hồi nửa chân.

Bóng chiều đã khuất non xanh,

Dòng khe mây khói quẩn quanh hữu tình.

Chèo khua bóng điện lung linh,

Đào nguyên có phải nơi mình đến chăng.”)

Giọng nói lão cất lên cứ khi trầm khi bổng, phiêu phiêu tựa như gió cuốn, tiếng như nhỏ nhẹ thì thầm mà vang vọng theo tiếng thác chảy. Cảnh đã đẹp nay lại có lão đọc ngân bài thơ càng như tiên cảnh cách biệt hẳn với phàm trần vậy. Vừa kết thúc bài thơ đột nhiên trời nổi cơn giông tố, trời sắp đổ mưa. Gió lạnh thổi về, tiếng sấm cứ ầm ầm, như tiếng rú gọi của một loài quái thú bị giam cầm. Từng giọt từng giọt mưa đầu tiên rơi xuống, tí tách rồi đổ xuống ào ào, tia chớp sáng choang như xé toạc cả bầu trời mù mịt. Lão vẫn đứng nguyên cạnh thác nước ấy mặc cho mưa tuôn và nước xối vào người, lão như mất hồn sau khi đọc bài thơ nọ. Đùng!!!!

Tia chớp cùng tiếng sét lớn đánh thẳng xuống lòng sông từng cơn sóng nước dội thẳng lên cao đến cả chục mét, để ở phía dưới tạo nên một cái hố sâu gần thấy đáy. Lúc này lão hoà thượng mới choàng tỉnh như tìm được linh hồn trở về, lão thở hồng hộc mà ngã quỵ xuống mặt đất. Khi này cả người lão đã ướt nhem ánh mắt già nua nhìn lên bầu trời mà lẩm bẩm:

- Thiên cơ này bần tăng không thể nhìn thấu? Trần duyên chẳng nhẽ lại là nghiệt duyên của ngài sao?

Lão nói vừa xong liền ho không dứt người lão run cầm cập không biết vì lạnh hay vì điều khác. Nhìn sắc mặt lão xanh xao tột độ những nếp nhăn trở nên rõ nét, trông lão giờ như già đi cả chục tuổi.

Chùa Pháp Cổ, ngôi chùa nổi tiếng không chỉ vì sự linh thiêng, mà còn vì nơi đây chứa cảnh đẹp hiếm có, trăm tượng phật thánh hương khói ngày đêm. Nơi đây như minh chứng cho sự sung bái tín ngưỡng Phật giáo của triều Lí nước Nam. Chùa với độ rộng lớn khó mà tưởng tượng hàng trăm mẫu đất hàng vạn khúc gỗ quý đã được dùng để xây dựng chùa. Nghe người dân đồn trước có một vị sứ giả phương Bắc khi được hưởng hoàng ân để đến nơi này lễ phật đã bị lạc ở trong chùa ba ngày ba đêm. Tuy chỉ là một câu chuyện vui nhưng từ đó cũng có thể cho ta một hình dung rõ nét về sự vĩ đại của Pháp Cổ tự.

Vào đến cuối của ngôi chùa, ta thấy rõ một khung cảnh hoàn toàn khác xa so với vẻ tấp nập bên ngoài. Một gian nhà nhỏ bằng ngói âm dương, bờ tường cũng đã phủ đầy rêu xanh khác xa hẳn hoàn toàn với ngôi chùa to lớn này. Nếu như không nằm trong khuôn viên của ngôi chùa có lẽ ta còn tưởng đây là một căn nhà hoang của dân chúng xung quanh vậy. Bên cạnh căn nhà nhỏ đó có một cây liễu to lớn lạ thường lá liễu cứ phất phơ đung đưa như đang nhảy múa trong gió sớm. Bên dưới hàng liễu nọ là cả một thảm cỏ xanh ngắt, lưa thưa vài bông hoa dại có đỏ có vàng đang hé nở, từng giọt sương cứ đọng trên từng cách hoa nhẹ nhàng mà sao thật nặng trĩu.

Két...!!! Cánh cửa mở ra, trong căn nhà nhỏ tối mịt ấy bước ra một người đàn ông độ ba mươi. Mang trên người bộ áo nâu sòng cổ đeo tràng hạt, vẻ mặt mệt mỏi như thức trắng cả đêm. Lạ thay người này mặc áo của tăng nhân nhưng lại vẫn còn để tóc, mái tóc hắn được búi lên gọn gàng. Tuy nhìn hắn có vẻ suy nhược, nhưng vẫn khó dấu trong đôi mắt sâu thẳm là sự sắc bén khó mà có được ở một người bình thường. Bước đi từng bước chậm rãi đến bên gốc liễu già, bắt đầu đặt cuốc xuống và dùng đôi tay trần nhổ từng cây cỏ dại.

Cứ mải chú tâm vào nhổ cỏ dại, mà không nhận ra rằng từ lúc nào đã có một bóng người xuất hiện sau lưng mình. Người này đầu đội mũ quyển vân, thân mặc áo viên lĩnh, mày rậm mắt sâu ngũ quan như hổ. Mới nhìn qua hắn đã thấy ngập tràn sát khí và mùi vị máu huyết nồng nặc, trông qua cách ăn mặc người này có vẻ là một vị quan lớn trong triều đình. Đứng đằng sau nhìn kẻ đang mải mê nhổ từng bụi cỏ, hắn lộ rõ vẻ mất kiên nhẫn, mà khinh khỉnh cất lời:



- Có vẻ Huệ Quang đại sư đang bận lắm nhỉ?

Thì ra người đang nhổ cỏ này tên là Huệ Quang đại sư, trong đôi mắt sáng tỏ như sao đêm vô cùng tỉnh táo, nhẹ nhàng trút ra một hơi thở, bỏ đi hoàn toàn vẻ mệt mỏi lúc đầu, mà từ tốn nói với kẻ đứng sau lưng:

- Ngươi đến rồi à?

- Vâng! hạ quan đến bái phỏng ngài thưa tiên hoàng tiền triều.

Cũng thật không ngờ vị Huệ Quang đại sư này lại là hoàng đế tiền triều, nhưng hình như trong sử sách tiền triều chỉ có hai vị là còn sống. Một vị là đứa bé chưa tròn mười tuổi, vị còn lại thì bị điên mà. Trông hắn không hề giống đứa trẻ, nhưng cũng chẳng có vẻ gì là một kẻ điên cả. Từ ánh mắt đến điệu bộ đều vô cùng tỉnh táo là đằng khác.

Huệ Quang đại sư không đáp lại hắn, mà tiếp tục cúi xuống nhổ từng bụi cỏ, không hề coi kẻ đang đứng đằng sau mình đang tồn tại. Trông người nọ có vẻ phẫn nộ với hành động của Huệ Quang đại sư hắn ta bật cười mà nói:

- Ngài phải “trảm thảo trừ căn”(nhổ cỏ tận gốc) thì mới có thể yên tâm mà trồng lên thứ khác được.

Nghe xong lời nói này của hắn, Huệ Quang đại sư cũng dừng việc đang làm mà đáp lại:

- Lời ngươi nói ta đã hiểu.

Nói đoạn Huệ Quang đại sư bước từng bước vào căn nhà và đóng lại cánh cửa. Người đứng ngoài tức giận tột độ, con mắt hắn như muốn ăn tươi nuốt sống kẻ khác, rồi nghiến răng ken két mà nói:

- Hừ! Hay cho cái vẻ cao ngạo của ngươi!

Hắn cũng cất bước rời đi khỏi khu vườn. Tất cả lại trở về sự yên tĩnh ban đầu nhưng thay vào đó là một màu u buồn dần bủa vây khung cảnh.

Ngày hôm sau, trời đổ mưa lớn dân chúng cả nước nghe được tin vị tiên hoàng tiền triều đã băng hà, nguyên do là vì phát bệnh điên dại mà tự tìm đến cái chết. Đồng thời, người dân đến lễ phật ở chùa Pháp Cổ cũng nhận tin vị đại sư sống sau chùa cũng đã viên tịch vào đêm qua. Tang lễ diễn ra cũng chỉ vỏn vẹn vài ngày mọi người nghe tin cũng chỉ ngợ người trong chốc lát, lại có người còn như chẳng biết nổi hai vị này là ai. Biết thì cũng chỉ biết về một phế đế, sống cũng vậy mà chết đã sao, thậm chí có kẻ còn mừng vui vì cái chết này đấy. Đau buồn cũng chỉ có vài ba bá tánh thường dân, xót thương cho một hoàng triều đã đến hồi kết thúc. Thế là hắn đã kết thúc cuộc đời mình như vậy, cả đời đấu tranh vì ai? vì cái gì? Có lẽ câu trả lời sẽ mãi nằm sâu trong nấm mồ tăm tối mà thôi.